topbar
8 BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY THIẾT BỊ ĐIỆN TRONG Hộ GIA ĐÌNH

8 BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY THIẾT BỊ ĐIỆN TRONG Hộ GIA ĐÌNH

02/11/2023

 

Đa số trong chúng ta coi việc sử dụng điện là điều hiển nhiên. Trong thời đại hiện nay, khi hầu hết các thiết bị gia đình đều liên quan đến việc sử dụng điện như là một nguồn năng lượng không thể thiếu, thật dễ bỏ qua rằng điện là một dạng năng lượng mạnh mẽ và việc lạm dụng nó có thể gây hại cho cơ thể, phá hủy thiết bị hoặc kể cả gây ra cháy nổ. Do đó, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn 8 biện pháp cơ bản để giúp ngăn ngừa nguy cơ cháy điện. Hãy ghi nhớ và thực hành những điều này để đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người xung quanh.

1. Không được để quá tải điện trong nhà của bạn

Điều đầu tiên trong việc phòng cháy chữa cháy thiết bị điện trong gia đình đó là bạn tuyệt đối không được cắm nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ điện và sử dụng cùng một lúc. Làm như vậy sẽ làm quá tải cho đường truyền và gây ra quá tải cho dòng điện.

Khi quá tải đường truyền có thể gây nóng chảy dây dẫn, ổ cắm, phích cắm, và nếu không xử lý kịp thời có thể gây cháy nổ.

2. Không nên để các ổ điện sát nguồn nước

Việc để những ổ điện, phích điện lắp đặt ở gần nguồn nước, những nơi có độ ẩm cao như trong nhà tắm, bồn rửa bát đĩa, chúng ta phải đặc biệt lưu ý về thiết kế đường dây điện và vị trí đặt ổ cắm điện tại đây. Những nơi thường xuyên có độ ẩm cao dễ gây chập điện, có thể là mối nguy hiểm trong gia đình của bạn.

Hãy thuê thợ điện có giấy phép và chuyên môn giỏi để giúp bạn lắp đặt hệ thống điện trong nhà.

3. Thường xuyên giám sát, kiểm tra các thiết bị điện trong nhà

Hầu hết các thiết bị như máy tính xách tay, TV và đèn đều rất an toàn và bạn không phải lo lắng quá nhiều về chúng. Tuy nhiên, bạn phải để mắt tới các thiết bị nhà bếp như lò vi sóng, lò nướng, nồi chiên không dầu … Bạn không được để các thiết bị bếp trong trạng thái đang vận hàng và đi ra ngoài trong khi không còn ai khác ở trong nhà. Hãy sử dụng chúng cẩn thận, luôn tắt các thiết bị bếp trước khi ra ngoài.

Bàn là nhiệt có thể gây bỏng nếu da của bạn tiếp xúc trực tiếp, hoặc nó có thể làm cháy đồ đạc nếu bạn vô tình để mặt bàn là đang nóng tiếp xúc với các vật dụng xung quanh. Hãy luôn cẩn trọng trong quá trình là quần áo, và đảm bảo đã rút phích cắm bàn là khỏi nguồn điện, để bàn là sau khi sử dụng ở một vị trí thăng bằng, mặt bàn là không tiếp xúc với bất kì vật dụng nào, chờ cho bàn là nguội trước khi cất vào vị trí gọn gàng.

Các sản phẩm gia dụng phát tỏa nhiệt như máy sấy, đèn sưới, máy sưởi … luôn phải cẩn trọng trong quá trình sử dụng để tránh bị bỏng, không để chúng tiếp xúc gần với các vật dụng khác và luôn đảm bảo rút phích cắm của chúng khỏi nguồn điện sau khi sử dụng xong.

Với tất cả các thiết bị sử dụng điện, ví dụ như quạt điện, bao gồm cả đèn chiếu sáng …, luôn tắt nguồn sau khi sử dụng xong. Kiểm tra cẩn thận mọi thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà, việc một thiết bị điện bị bỏ quên, vẫn tiếp tục vận hành khi không được sử dụng có thể gây quá tải cho thiết bị, gây hỏng hóc thiết bị thậm chí là cháy thiết bị nếu chúng được sử dụng liên tục trong thời gian kéo dài.

Ngoài ra, một số thiết bị gia dụng cầm tay như máy hàn, máy cắt, máy khoan …, những thiết bị này tiêu thụ dòng điện cường độ cao, vì thế các dây dẫn cung cấp điện cho các thiết bị này phải có công suất phù hợp.

Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Các thiết bị điện quá cũ, đã hoen gỉ có nguy cơ chập cháy trong quá trình sử dụng.

Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (Công tắc, Ổ cắm, Hộp đấu dây, Mối nối trên đường dây) nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa.

Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy… Khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.

Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt…cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

4. Tình huống mất điện đột ngột

Khi đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Tránh để quên, đặc biệt nếu sau đó bạn đi ra ngoài mà không có người lớn ở nhà.

5. Tránh để những chất dễ cháy ở gần ổ điện

Quá trình tải điện trên đường dây và thiết bị phát tỏa ra nhiệt độ, trong một số trường hợp có thể dẫn đến bắt tia lửa điện. Vì thế, bất kỳ chất dễ cháy nào tiếp xúc trực tiếp với thiết bị điện đều có nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Do đó, hãy để các loại vải như ga trải giường, rèm cửa và quần áo cách xa ổ cắm.

Ngoài ra tránh để xăng, dầu, giấy, … và các loại chất dễ bắt lửa ở gần ổ điện.

6. Giữ trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ tránh xa khỏi nguồn điện và các thiết bị điện đang vận hành

Trẻ nhỏ ở nhà cần có người lớn giám sát. Trẻ lớn cần được dạy cách sử dụng và các quy tắc đối với thiết bị điện, nguồn điện trong nhà.

7. Đề phòng sét đánh

Lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét và kiểm tra định kỳ hệ thống này.

Tắt các thiết bị điện trong toàn nhà (ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, bàn là …) khi có bão sét.

Sử dụng các thiết bị dùng pin hoặc không dây thay thế cho thiết bị dùng điện hệ thống khi có sét

8. Ra khỏi vị trí nơi có hiện tượng chập cháy

Khi phát hiện một hiện tượng bất thường liên quan đến điện trong nhà, bạn hãy nhanh chóng tránh khỏi một cách an toàn, chủ động tắt cầu dao điện. Thực hành kỹ năng xử lý tình huống của bạn hoặc gọi người hỗ trợ.

Dưới đây là một số cách xử lý khi xảy ra cháy nổ trong nhà:

  • – Khi có trường hợp chập điện gây cháy, hãy nhanh chóng cắt cầu dao điện, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà. Khi chắc chắn không còn ai mắc kẹt trong nhà mới sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Bạn nên cài đặt sẵn số điện thoại 114, nếu bạn sống ở chung cư, bạn cần lưu số điện thoại của đội PCCC của chung cư, để trong trường hợp cần thiết phải gọi cảnh sát PCCC đến xử lý.
  • – Lắp chuông báo khói ở nhiều vị trí trong nhà bạn để khi nhận được báo động kịp thời. Bạn nên kiểm tra pin báo cháy thường xuyên để đảm báo thiết bị báo cháy của bạn luôn luôn hoạt động tốt. Thường 6 tháng bạn nên thay pin 1 lần.
  • – Không bao giờ dùng nước để dập tắt những đám cháy do chập điện. Trong khi tìm cách rời khỏi hiện trường và chờ lực lượng cứu hỏa đến, hạ thấp người xuống để di chuyển, tránh hít phải khói gây ngạt và có thể bị ngộ độc. Nếu quần áo bị bắt lửa, thì lăn vòng ra đất để dập tắt lửa.
  • – Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy CO2 để dập tắt lửa khi có những sự cố cháy nổ bất ngờ xảy ra.

Dây Cáp Điện Vạn Xuân

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline 1 Hotline 2 Zalo 1 Zalo 2

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

popup

Số lượng:

Tổng tiền: